Kiến Nghị
Hoàng Sa Thuộc Việt Nam
Kính gửi:
– Các Lãnh đạo AUKUS và Quad
– Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc António Guterres
– Tổng Thư Ký Tòa Án Trọng Tài Thường Trực Marcin Czepelak
Ngày 19 tháng 1 năm 2024 đánh dấu 50 năm quân đội Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Sự chiếm đóng bất hợp pháp này chưa bao giờ được cộng đồng quốc tế công nhận và người dân Việt Nam cũng chưa bao giờ chấp nhận.
Triều đại nhà Nguyễn đã tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, nằm ngoài khơi bờ biển phía đông của Việt Nam. Các đoàn thám hiểm chính thức và ngư dân Việt Nam thường xuyên ghé vào quần đảo này từ thời đó.
Vào đầu thế kỷ 20, trong thời kỳ Pháp đô hộ Việt Nam đã cho quân đội chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa. Tại hội nghị San Francisco về Hiệp ước Hòa bình với Nhật Bản năm 1951, đại diện của Quốc Gia Việt Nam đã tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Năm 1955, Việt Nam Cộng Hòa đóng quân tại đảo Hoàng Sa (Pattle), đảo lớn nhất trong nhóm đảo Lưỡi Liềm ở Hoàng Sa, để xác nhận chủ quyền lãnh thổ của mình.
Vào ngày 19 tháng 1 năm 1974, các lực lượng quân sự Trung Quốc đã tấn công đơn vị đồn trú của Việt Nam và trong trận hải chiến sau đó, 74 sĩ quan và thủy thủ Việt Nam đã hy sinh. Việt Nam Cộng Hòa đã chính thức phản đối lên Liên Hiệp Quốc, nhưng Bắc Kinh đã sử dụng quyền phủ quyết của mình tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc để ngăn chặn sự việc được đưa ra tranh luận.
Với kiến nghị thư này chúng tôi khẳng định:
- Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế khi cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc, tất cả các quốc gia thành viên phải giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và không thể sử dụng vũ lực để thay đổi biên giới.
- Việc Trung Quốc tiếp tục chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa là mối đe dọa đối với hòa bình quốc tế, tự do hàng hải và ngư dân Việt Nam. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã sử dụng sự chiếm đóng quân sự của mình ở quần đảo Hoàng Sa để quấy rối ngư dân Việt Nam và giúp biện minh cho những yêu sách chủ quyền phi lý của họ trên Biển Đông.
- Chính phủ Việt Nam hiện nay phải có những hành động cụ thể để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và vùng biển lân cận, bao gồm: (i) lên án hành động chiếm đóng của Trung Quốc tại các cuộc họp của ASEAN và tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc và (ii) đệ đơn kiện Bắc Kinh tại Tòa Án Trọng Tài Thường Trực ở The Hague.
- Cộng đồng quốc tế có thể duy trì luật pháp quốc tế bằng cách công nhận chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, thảo luận về vấn đề này trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và yêu cầu Trung Quốc ngừng quấy rối ngư dân Việt Nam hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hoặc vùng biển quốc tế.
- Trong năm thập niên qua, người Việt Nam và những người ủng hộ luật pháp quốc tế đã liên tục lên án hành động xâm chiếm bất hợp pháp của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa. Chúng tôi sẵn sàng làm điều này trong năm thập niên nữa — cho đến khi quần đảo Hoàng Sa được trả về với đất mẹ.
Trân trọng,